Giới thiệu với du khách về những món ăn, các loại bánh đặc trưng của Hội An, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thưởng thức và cách làm giúp quý khách có thêm nhiều thông tin và trải nghiệm bằng mắt trước khi có một hành trình tham quan thú vị tại phố cổ Hội An.
Ở HỘI AN…NHỮNG THỨ BÁNH KHÔNG NÊN THỬ DÙ CHỈ MỘT LẦN…..
….bởi quý khách sẽ không thể ngừng tay khi nếm thử những miếng bánh đầu tiên và chắc chắn sẽ bị mê hoặc bởi mùi bị thơm ngon, đậm đà khó quên nhưng rất khác biệt của từng loại bánh.….Hội An không chỉ có không gian cổ kính và yên bình, vô số những điểm đến hấp dẫn với du khách, mà trong hành trình tham quan và khám phá phố cổ còn dành tặng cho du khách những thức quà vô cùng thơm ngon và hấp dẫn. Tiếp theo với bài viết kì trước Du lịch Hội An ăn gì và ở đâu?, hôm nay Đặc Sản Quảng Đà sẽ tiếp tục giới thiệu đến quý khách những món bánh đặc trưng ở Hội An, mặc dù đã có rất nhiều nơi làm được các món bánh này nhưng duy nhất chỉ có Hội An là vẫn duy trì được hương vị truyền thống của đặc sản phố Hội.
Hơn 20 năm sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn của Hội An, từ bé tôi đã được mẹ và bà cho ăn rất nhiều các loại bánh, đó là những món quà nho nhỏ sau giờ đi học, là gói bánh con con tìm được trong làn mỗi khi mẹ đi chợ về… và không biết từ bao giờ nếu có ai hỏi tôi cũng có thể thuộc làu làu tên của rất nhiều những thứ bánh mà bọn trẻ con thành phố ít được nghe đến, tuy bình dân, mộc mạc nhưng vô cùng thơm ngon và đậm đà hương vị dân dã của miền Trung.
Các địa điểm sản xuất bánh ở Hội An chủ yếu là cơ sở của gia đình, do chính các chủ hộ hoặc những người phụ nữ quán xuyến tất cả các công việc, đây cũng chính là điểm khác nhau của các địa điểm sản xuất đặc sản tại Hội An, và cũng chính nó làm nên điều bình dị trong những thức quà của phố Hội.
BÁNH IN – BÁNH ĐẬU XANH
Hơn 2 thế kỉ giữ lửa và giữ nghề từ thế kỉ 18, các hộ gia đình có nghề làm bánh đậu xanh truyền thống tại Hội An vẫn tồn tại bền bĩ theo thời gian, ngày xưa, loại bánh này được làm để tiến vua, và dần sau này nối tiếp truyền thống của cha ông để lại, bằng cái tâm với nghề các hộ gia đình đã biến những chiếc bánh đậu xanh bình dị trở thành đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước.
Quy trình làm bánh đậu xanh nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng phải thật kĩ lưỡng từ khâu đầu tiên là chọn đậu xanh, hạt đậu phải nhỏ và ruột vàng, Đậu mang đi ngâm, vo sửa sạch trước khi bắt lên luộc trên bếp lửa. Đậu chín tiếp tục cho vào cối hoặc máy nghiền nát thành bột. Sau đó tiếp tục ngào bột với nước đường rồi nhồi trộn bột từ từ từng ít một, để bột vừa đủ độ ẩm, không được ướt hoặc khô quá vì như vậy bánh sẽ không chắc và khó kết dính. Có hai loại là bánh đậu xanh ngọt và bánh đậu xanh mặn và chỉ khách nhau ở chỗ bánh đậu xanh mặn có thêm phần nhưn bánh làm bằng mỡ heo. Mỡ được rán vừa độ lửa sao cho thật khéo léo, nếu mỡ rán quá già, bánh sẽ có mùi khét; nếu mỡ quá non bánh sẽ mất mùi thơm và có vị ngậy. Đặc biệt, để có được chiếc bánh đậu xanh “đặc hạng” như ở Hội An, phần nhưn bánh còn trộn thêm gia vị đường, muối, tiêu… theo tỉ lệ hợp lí.
Cuối cùng là in bánh. Thợ in bánh trên khuôn đồng dạng tròn hoặc vuông. Đáy khuôn có in hình chữ hoa, hoặc hình dáng của các con vật. Cho bột vào đầy các lỗ khuôn, thêm nhưn (nếu là bánh mặn) ở giữa, ém chặt bột, úp ngược mặt khuôn xuống và gõ nhẹ đáy khuôn để lấy bánh ra. Quá trình in bánh được thực hiện rất nhanh nhưng phải khéo léo và cẩn thận… những chiếc bánh nho nhỏ được xếp rời ra và sấy khô để tăng thêm độ giòn và dậy hương vị đậu xanh.
Vị ngọt ngay đầu lưỡi cùng với chút bùi bùi của đậu xanh và hơi mặn của nhưn thịt mỡ sẽ khiến bạn không thể không cắn thêm nhiều miếng nữa. Các cụ già lớn tuổi ở đây thường thưởng trà và ăn bánh đậu xanh, ngoài ra thì đây cũng la một loại bánh vô cùng phổ biến vào các dịp dỗ, Tết.
BÁNH ÍT – BÁNH SU SÊ
Nổi tiếng hơn và được nhiều người yêu thích hơn chính là bánh ít lá gai của phố Hội. Bánh ít lá gai có mặt ở hầu khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam, song tại Hội An, bánh rất được ưa chuộng bởi hương vị khác lạ và đặc trưng riêng. Bánh ít có lớp bánh mềm bên ngoài màu đen, có vị ngọt được làm từ, gói bên trong nhưn đậu xanh giã nhuyễn xào chín, chiếc bánh được gói gọn và tạo hình chóp bằng lá chuối. Đây là bánh ít là gai truyền thống, Bánh nhỏ, tròn trịa, khi cắn có cảm giác dai dai của lá gai quyện với đậu xanh, đậm đà và rất dễ ăn. Ngoài ra trong quá trình làm bánh, do thị hiếu của khách hàng mà những người thợ đã sáng tạo ra loại bánh ít mặn, thay thế nhưn đậu xanh ngọt là nhưng đậu xanh trộn mộc nhĩ, cà rốt,… và lớp bánh bên ngoài có màu trắng từ bột nếp.
Một biến thể khác của bánh ít lá gai là bánh su sê hay còn gọi là bánh phu thê, cũng với kết cấu và hình dạng giống hệt với bánh ít, nhưng lớp ngoài bánh có màu vàng trong veo của bột lọc, lẫn trong đó là những sợi dừa bào nhỏ, khi ăn có cảm giác vừa dẻo vừa giòn.
Loại bánh này thường được dùng trong các lễ cưới hỏi, mang thông điệp về tình yêu và sự chung thủy, rất đặc trưng nhưng lại vô cùng bình dị.
BÁNH RAM
Một thức quà rất được ưa thích từ những người lớn đến trẻ nhỏ chính là món bánh ram, chỉ nhìn thôi cũng có cảm giác rất thích mắt. Loại bánh này rất phổ biển và được bán ở rất nhiều nơi trong phố cổ, giá lại rất rẻ chỉ 3000 đồng/1 bánh. Bánh ram cũng có nhân đậu xanh ngọt và được bọc ngoài bằng lớp bột chiên phủ mè.
Khi ăn rất giòn và dậy mùi, chỉ cần cắn một miếng nhỏ là nhân đậu xanh bên trong đã lộ ra, ăn tiếp sẽ cảm nhận được sự hòa quyện giữa vị bùi ngọt của đậu xanh và cái giòn quen thuộc của bột chiên, vừa mềm vừa rắn, rất thú vị.
BÁNH XOÀI
Thường được bán chung với bánh ram, cũng được rất nhiều người yêu thích, nhìn bên ngoài bánh xoài chỉ có hình dạng của một khối bột màu trắng mền, rất ngộ nghĩnh nhưng khi cắn vào miệng, mùi vị ngọt bùi của lạc rang được giã nhỏ, trộn với một ít đường làm nhân sẽ làm quý khách vô cùng thích thú Đặc Sản Quảng Đà .
Loại bánh này đúng chất bình dân, được làm từ những nguyên liệu vô cùng quen thuộc, lại rất dễ làm và dễ ăn…Chiếc bánh tuy bình dân, nhưng nếu nếm thử bạn sẽ cảm nhận được, tuổi thơ của những đứa trẻ phố Hội bình dị nhưng đáng nhớ biết mấy với những thức quà này…
BÁNH DA
Nghe tên có thể nhiều người thấy vô cùng lạ lẫm và không mấy hấp dẫn, nhưng đây là món bánh rất phổ biến ở Hội An, đặc biệt là dịp Tết Âm Lịch.
Bánh được làm từ bột gạo mì, cho nước vào và nhào cho bột mềm dần, nước đường được nấu sôi, cho thêm gừng giã nhuyễn, để nguội và cho vào nhồi chung với bội để thêm vị ngọt, sau đó rắc thêm đậu phộng và tiếp tục nhồi bội để đậu phộng lẫn vào trong thân bánh, sau đó cho vào khuôn vuông, trụ tùy ý và chờ cho bánh ráo là chúng ta đã có một đòn bánh thơm ngon, ngọt thanh và có vị gừng thoang thoảng nơi đầu lưỡi. Cũng có loại bánh da bên trong có thêm cà rốt thái sợi và vỏ quất.
Vào mỗi dịp Tết, người người nhà nhà lại tự tay làm những đòn bánh thơm ngon để thờ cúng, bánh da ăn khi uống trà cũng rất ngon.
BÁNH BÈO
Ngày trước ở nông thôn, bánh bèo là một món ăn rất quen thuộc, và là một bữa sáng hậu hĩnh của những đứa trẻ thay vì phải ăn cơm sáng như mọi ngày. Và cho đến bây giờ, qua nhiều thay đổi của thời gian, bánh bèo tuy dân dã, bình thường nhưng Đặc Sản Quảng Đà lại không bị mất đi mà trở nên rất phổ biến tại phố Cổ, là món ăn vặt ưa thích của các bạn thanh thiếu niên cũng như người lớn.
Hình ảnh những chén bánh bèo nho nhỏ, có nhưn sền sệt được làm từ tôm và bột năng có màu cam ở bên trên, một ít ram chiên, ăn kèm với nước mắm vô cùng ngon và hấp dẫn. Đặc biệt, khi ăn bánh bèo người ta không dùng muỗng mà dùng thanh tre, vót nhọn ở đầu, dùng để cắt và xiên bánh, thanh tre này lại càng làm tăng thêm sự độc đáo nhưng lại rất dân dã, rẻ tiền và dễ ăn.
BÁNH XÈO
Đến Hội An vào những ngày đầu đông mưa rả rích, giữa cái không khí se se lạnh, thì món bánh xèo chính là lựa chọn số 1 cho bữa cơm gia đình. Nguyên liệu làm bánh xèo gồm có, bột gạo, tôm, thịt, giá đỗ, bột gạo hòa với nước thành hỗn hợp sền sệt và chiên trên chảo dầu, cho tôm, thịt và giá đỗ vào giữa bánh và khi chín, những nguyên liệu này tự kết dính vào nhau, ăn kèm với rau sống và nước mắm chua ngọt, đặc biệt ở Hội An, có một loại tương chấm bánh xèo, được chế biến rất công phu và nhiều nguyên liệu như gan heo, tương bần, bơ đậu phộng,… theo một tỉ lệ nhất định nào đó, mà nước tương có màu gạch, sánh đặc, có mùi vị rất thơm, ngon, chính loại nước tương này đã làm nên cái đặc trưng không lẫn vào đâu được của bánh xèo Hội An. Cắn một miếng bánh nóng hổi, giòn tan và hít hà hương vị của nó sẽ xua đi phần nào cái lạnh đầu đông, ấm áp mà thơm ngon. Tuy nhiên, bánh xèo vẫn được bán quanh năm tại Hội An, mùa nào cũng vậy, vẫn thơm ngon và đậm đà hương vị miền Trung.
Đến sau này khi đã xa Phố để đi học, cuối tuần về nhà, tôi lại vòi mẹ mua bằng được một hai thứ bánh, chỉ để nhâm nhi, cho đã thèm, hoặc không thì cũng mua vài món cho bọn bạn cùng trường. Bánh Hội An nhiều là vậy, nhưng hương vị có lẽ sẽ không thể lẫn vào đâu được…